Kinh nghiệm vấn đề giấy tờ

Sở hữu xe hơi – đâu chỉ toàn sung sướng

Cơn sốt mua ôtô ngày càng tăng vì với nhiều người, đó là một cách thể hiện “cho thế giới biết bạn là ai”. Thế nhưng, đường phố chật hẹp của Hà Nội không phải lúc nào là địa điểm lý tưởng cho những chiếc xe hơi khoe vẻ đẹp.

Người thành đạt hiện nay, nhất là cánh đàn ông, ai cũng muốn sở hữu một chiếc ôtô cho sành điệu. Phải nói là ôtô rất tiện ích, vừa khỏi mưa nắng, vừa tránh bụi bặm, mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm. Thế nhưng, “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, có ôtô, nhiều khi là mang thêm vào mình cục nợ.

Nam là chủ một doanh nghiệp kinh doanh cửa nhôm kính, anh tậu chiếc xe Mazda Premacy đời mới. Trước là để đi lại giao dịch “cho lịch sự”, thêm nữa khi có hợp đồng tỉnh xa thì khỏi thuê xe đi cho tốn kém. Và cuối tuần, cả nhà có thể dung dăng dung dẻ đi nghỉ mát thoải mái. Thu nhập cao, cũng thuộc dạng chịu chơi, nhưng anh nhiều khi cũng thở dài kêu tốn, với cái “cục sắt di động” của mình.

Này nhé, chiếc xe của anh cứ 100 km ngốn hết 11 lít xăng, so với giá xăng bây giờ là 7.500 đồng/lít; mỗi lần đổ khoảng 50 lít hết 375.000 đồng. Tuần nào chạy ít cũng phải đổ một lần, còn đi tỉnh thì khỏi nghĩ. Nhà mặt đường nhưng lại là văn phòng, nên xe phải đi gửi gần đó 400.000 đồng/tháng. Chưa kể đi đâu cũng phải gửi xe, 10.000 đồng/lần, ngày ít bù ngày nhiều, tháng nào cũng tới 300-400 nghìn. Lại thêm 1 triệu thuê lái xe, vì không lẽ lúc vợ anh hay ông bà thông gia muốn đi đâu, anh lại phải nghỉ việc lái xe đưa đi. Thế là tính sơ sơ tháng nào chiếc xe cũng ngốn mất của anh tối thiểu 3 triệu. Là dân kinh doanh thật, nhưng vẫn thấy xót.

Còn nếu là dân công chức mua xe thì có thể bớt hẳn khoản thuê lái xe, nhưng hầu hết đều tốn kém không dưới tiền triệu để nuôi nó. Anh Dũng, dạy tại một trường đại học, có chiếc Kia đời cũ, cũng than thở tháng nào cũng phải tốn cả triệu bạc vào những chuyện “phục vụ” cho chiếc xế hộp của mình. Đó là chưa kể tới chuyện xe hỏng hóc, trục trặc, vốn là “chuyện thường ngày ở … xe”, thì sờ vào đâu cũng là con số trăm, số triệu. Xe mới toanh mà tay lái non, có khi vài ngày đã va quệt, móp méo. Có chiếc Mondeo đời mới hay đỗ ở Ngọc Khánh, còn chưa có biển đã bị đâm bẹp cả một bên cánh. Để “mông” lại chỗ đó, cũng ngót triệu. Nếu vào hãng, giá còn có thể cao hơn nữa.

Với người không hiểu biết về xe, tốn kém cho xe không ít, ví dụ như thay má phanh, lọc dầu, lọc gió… mỗi lần tốn cả trăm nghìn. Bảo dưỡng xe tổng thể hàng năm, hết cả triệu đồng. Một số loại xe hay hỏng bơm xăng (100-150 USD), quạt gió (50-60 USD). Sơn lại xe (chuyện rất quen thuộc với xe ở Việt Nam do hay va quệt), 400-500 nghìn/cánh (không làm lại gân, nắn chỉnh). Thay dầu xe 4.000 km/lần/100 nghìn. Tai hại nhất là xe trục trặc, chết máy giữa đường. Thuê xe cứu hộ gần cũng phải trăm nghìn, còn xa thì vài trăm là giá “hữu nghị”.

Lái xe nghiệp dư hiện nay trình độ tay lái có hạn, nên chuyện xảy ra va chạm, trục trặc là khá thường xuyên. Dù đụng độ ít hay nhiều, chiếc xe yêu quý cũng phải chịu nhiều hậu quả “tốn tiền”.

Chẳng nói thì ai cũng thấy. Thành phố chật hẹp, người đông đúc, đường sá thì thường xuyên tắc nghẽn giao thông trong giờ cao điểm. Tại các tuyến phố, biển cấm đỗ cắm dày đặc. Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hàng Bài, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Thái Học, Bà Triệu, Cát Linh… đâu đâu cũng cấm đỗ xe. Hầu như mọi trung tâm quận, trung tâm thành phố, khu mua sắm… thì tuyến đường xung quanh đều cấm đỗ xe.

Đi qua Tràng Tiền Plaza hàng chục chiếc taxi đỗ trên đường Hàng Bài, nhưng chẳng lái xe nào dám ra khỏi xe. Lơ mơ, chỉ sơ ý một chút là được cảnh sát giao thông “giơ tay chào” liền. Vậy là nhiều khi muốn uống một ly cafe với bạn cũng phải lái xe lòng vòng tìm chỗ đỗ muốn xỉu. Thiếu điểm đỗ xe là một vấn nạn trầm trọng hiện nay, chưa có giải pháp trong vài năm tới.

Chuyện lái xe “mới học” phạm luật là một “nguy cơ” thường trực khác. Dân chuyên nghiệp, hiểu luật, thói quen nhìn biển đã ăn vào máu rồi còn không tránh khỏi “dính phạt”, nữa là người mới lái xe.

Anh Bình, chủ một doanh nghiệp nhỏ đã dính tới mấy lần phạt do mải nhìn đường, không nhìn biển. Đầu dốc Hoàng Hoa Thám, Liễu Giai, có hai đường lên. Sở GTCC mới cắm biển cấm ngược chiều, nhưng dân xe máy vẫn phóng ầm ầm do thói quen. Thế nhưng anh thấy người ta đi, cũng đi theo, lập tức bị “hỏi thăm” liền. Cứ mỗi lần dính vé phạt, không dưới vài trăm nghìn. Rồi hàng loạt biển khác như biển báo tốc độ trên đường liên tỉnh, quốc lộ, biển cấm quay đầu tại nhiều ngã ba, ngã tư, dải phân cách, đi vào đường cấm ôtô con, vạch sơn liền (có giá trị như dải phân cách) đều là “bẫy” cho lái ít kinh nghiệm.

Nhưng, nỗi khổ lớn nhất là cảnh tắc đường, nhích từng chút một mỗi khi tan sở. Tại các khu trung tâm như Ba Đình, Hoàn Kiếm, giao thông còn tương đối tốt, về các quận Đống Đa, Hai Bà Trung, mật độ lớn, tắc nghẽn thường xuyên xảy ra. Xe máy còn có thể luồn lách được, ôtô thì chịu chết. Có đi ôtô giờ cao điểm mới thấy hết cái phiền nhiễu của ôtô trong thành phố. Đi thì ít, đạp côn thì… mỏi chân. Năm 2001, khi Hà Nội chịu trận ngập kỷ lục, khi đi qua trung tâm chiếu phim quốc gia chứng kiến cảnh một chiếc Mercedes bóng loáng đang “nổi” bềnh bồng như một chiếc thuyền và lái xe thì xắn quần “đẩy” thuyền.

Ôtô, sang thật, thoải mái thật, nhưng ở Hà Nội, thì quả thật nhiều bất tiện. Chỉ thú vị, khi đi chơi xa, đi công việc, còn ở thành phố, nhiều ông chủ xe thích đi xe máy cho thuận tiện, tạt đâu cũng dễ dàng, nhanh chóng.

(Theo Kinh tế đô thị)

Tin Liên Quan